Đặc điểm Quản lý hành chính nhà nước (Việt Nam)

Tính quyền lực

Khi thực thi quản lý hành chính nhà nước, các chủ thể được nhân danh và sử dụng quyền lực do Nhà nước giao. Quản lý hành chính nhà nước phải mang tính quyền lực là do xuất phát từ yêu cầu chung của quản lý hành chính nhà nước là phải phải có căn cứ trên cơ sở quyền lực của nhà nước và được trang bị quyền lực nhà nước, do Nhà nước giao.

Tính quyền lực của quản lý hành chính nhà nước thể hiện ở sự bất bình đẳng giữa chủ thể quả quản lý hành chính nhà nước với đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Đối tượng quản lý hành chính nhà nước có quyền ra lệnh, áp đặt một chiều; thậm chí đe dọa, cưỡng chế khi đối tượng chịu sự quản lý hành chính nhà nước không thực hiện.

Tính quyền lực nhà nước của quản lý hành chính nhà nước thể hiện ở việc[2]:

  • Các chủ thể có thẩm quyền thể hiện ý chí nhà nước thông qua phương tiện nhất định, trong đó phương tiện cơ bản và đặc biệt quan trọng được sử dụng là văn bản quản lý hành chính nhà nước dưới dạng: các chủ trương, chính sách; quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy phạm pháp luật của cơ quan quyền lực nhà nước và của cấp trên thành những quy định chi tiết để có thể triển khai thực hiện trong thực tiễn; dưới dạng các mệnh lệnh cá biệt; dưới những dạng mệnh lệnh chỉ đạo cấp dưới trong hoạt động, nhằm tổ chức thực hiện pháp luật trong thực tiễn; dưới dạng những thông tin hướng dẫn...
  • Các chủ thể có thẩm quyền tiến hành những hoạt động cần thiết để bảo đảm thực hiện ý chí nhà nước như: các biện pháp về tổ chức, về kinh tế, tuyên truyền giáo dục, thuyết phục cưỡng chế… 

Việc sử dụng các quyền trong quản lý hành chính nhà nước phải theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tính tổ chức chặt chẽ

Quản lý hành chính nhà nước được tổ chức chặt chẽ, khoa học gắn kết giữa các khâu, các quá trình của hoạt động quản lý nhằm đạt được hiệu quả, hiệu lực đã định.

Mục đích của hoạt động quản lý hành chính nhà nước là thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực chấp hành và điều hành, một hoạt động mang tính hướng đích rõ ràng nên hoạt động quản lý hành chính nhà nước phải có tính tổ chức chặt chẽ.

Tính tổ chức chặt chẽ thể hiện ở việc: hoạt động quản lý hành chính nhà nước được quy định và đảm bảo bởi quyền lực nhà nước; đồng thời hoạt động này có trình tự, thủ tục rõ ràng theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo tính chặt chẽ thì hoạt động quản lý hành chính nhà nước phải có tính khoa học, phù hợp với thực tiễn khách quan.

Tính thống nhất

Để bảo đảm tính pháp chế trong hoạt động hành pháp, bộ máy các cơ quan hành pháp được tổ chức thành một khối thống nhất từ Trung ương tới địa phương; vừa đảm bảo sự điều hành thống nhất, lợi ích chung của cả nước, sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương; vừa  phát huy tối đa những yếu tố của từng địa phương, tạo sự năng động sáng tạo trong quản lý điều hành.[2]

Tính công khai, dân chủ

Việc quản lý hành chính nhà nước phải được quy định rõ ràng, minh bạch, có sự tham gia rộng rãi của nhiều chủ thể khác nhau.

Hoạt động quản lý nhà nước phải đảm bảo tính công khai, dân chủ do xuất phát từ đặc điểm thể hiện bản chất của nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân nên phải mở rộng để dân biết, dân tham gia các hoạt động ấy. Đồng thời, thông qua cơ chế này có thể kiểm soát được hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, ngăn chặn được các yếu tố tiêu cực từ hoạt động hành chính công quyền.

Tính công khai, dân chủ trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước thể hiện ở các điểm: chủ thể của quản lý hành chính nhà nước tôn trọng nội dung và đối tượng quản lý; có cơ chế đảm bảo để người dân tham gia vào các hoạt động quản lý phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể theo quy định.

Tính căn cứ pháp luật và chủ động, linh hoạt, sáng tạo

Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động được tiến hành trên cơ sở quy định của pháp luật, đảm bảo thích ứng với điều kiện khách quan.

Quản lý hành chính nhà nước phải có căn cứ pháp luật là do xuất phát từ yêu cầu chung có tính nguyên tắc trong tổ chức hoạt động quản lý xã hội của nhà nước là bằng pháp luật; đồng thời, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động quản lý xã hội rộng khắp, toàn diện, liên tục nên phải có sự linh hoạt và sáng tạo.

Tính căn cứ pháp luật thể hiện ở việc: mọi hoạt động của quản lý hành chính nhà nước phải có cơ sở và căn cứ pháp lý; đồng thời quản lý hành chính nhà nước là hoạt động thực thi pháp luật (tức hành pháp) nên phải dựa trên cơ sở quyền lực của lập pháp.

Biểu hiện của tính linh hoạt, chủ động sáng tạo ở chỗ: hoạt động quản lý hành chính nhà nước có mục tiêu rõ ràng, là hoạt động hành pháp để chấp hành. Bản chất của hành pháp rất linh hoạt, sáng tạo để đạt được mục tiêu chấp hành, nhất là trong các trường hợp pháp luật chưa quy định, hoặc quy định nhưng chưa rõ ràng, hoặc đã quy định nhưng lạc hậu.

Đặc điểm khác

Đối với quản lý hành chính nhà nước, chủ thể có quyền năng hành pháp. Đồng thời, quản lý hành chính nhà nước phải đảm bảo tính chấp hành và điều hành, tính liên tục, tính công khai, dân chủ.